Khi mà cung và cầu lương thực của xã hội đã dần trở nên cân bằng, việc đảm bảo thực hiện đồng thời an ninh lương thực và bảo vệ bền vững môi trường là chính sách, kế hoạch của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc đầu tư vào R&D để phác thảo tầm nhìn chiến lược và kế hoạch thực hiện các chương trình dài hạn trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ và nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Bài viết từ mục tin tức R&D của Foodtechmaster sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn về những chiến lược nghiên cứu và phát triển nói trên.
Rau, củ, quả hữu cơ không chứa các thành phần độc hại đối với sức khỏe
Thực trạng của môi trường và xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện tại
Nông nghiệp hữu cơ hay canh tác hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp ra đời từ thế kỉ XX, dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương,… Vì vậy, ngoài tránh sử dụng các hợp chất hóa học gây tác động xấu đến môi trường, nông nghiệp hữu cơ còn vô cùng lành tính, thân thiện, mang lại hiệu quả cao trong cải tạo môi trường.
Tuy nhiên, sự tăng lên về nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dùng đã dẫn đến việc các nhà sản xuất mải mê theo đuổi lợi nhuận, theo đuổi các phương thức sản xuất mới tạo ra nhiều sản phẩm hơn và quên lãng đi các giá trị mang tính xã hội cũng như không suy xét đến những tác động xấu của nó đối với môi trường.
Phương thức canh tác hữu cơ và các yếu tố về môi trường dần bị lãng quên khi nhu cầu người tiêu dùng thay đổi
“Để sản xuất thực phẩm với khối lượng lớn trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã phải đánh đổi bằng chi phí môi trường rất lớn” – ông Alexander Beck thuộc Hiệp hội các nhà chế biến thực phẩm hữu cơ cho biết. Mặc dù không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng canh tác hữu cơ là “giải pháp tốt nhất” để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, lĩnh vực này đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, ông nói thêm.
Heino Graf von Bassewitz, chủ tịch phòng nông nghiệp hữu cơ tại Copa-Cogeca, tổ chức nông dân EU, cũng đưa ra dự đoán rằng thị trường hữu cơ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai vì “các sản phẩm hữu cơ sẽ trở nên rẻ hơn khi giá dầu tăng (dầu là thành phần chính để sản xuất thuốc trừ sâu, chiếm ưu thế trong phương thức canh tác truyền thống) và nhờ vào sự tăng cường sinh thái của chất hữu cơ “.
Tin tức R&D từ viện Worldwatch cung cấp ngày 23/7 cũng cho thấy nông nghiệp hữu cơ đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới kể từ năm 2000. Nhưng sản lượng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.
Phương thức canh tác hữu cơ đã dần chiếm lại ưu thế vì chính những tác động tích cực của nó
Nghiên cứu và phát triển phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ
- Nâng cao năng suất đồng thời bảo vệ môi trường
Để giải quyết vấn đề năng suất, một nghiên cứu đang được thực hiện ở các nước châu Âu.
Theo “tầm nhìn” của TP Organics (tổ chức gồm các ngành công nghiệp, cộng đồng nghiên cứu và xã hội dân sự để xác định các ưu tiên nghiên cứu hữu cơ trong giai đoạn đến năm 2025) thì sản xuất thực phẩm hữu cơ có “tiềm năng rất lớn” để giảm thiểu một loạt các vấn đề mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các thách thức kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, nhưng cần thêm kinh phí để nghiên cứu để thực hiện một cách hiệu quả.
Làm sao để nâng cao năng suất, khắc phục nhược điểm của phương thức sản xuất này là một câu hỏi lớn
“Tăng cường chức năng sinh thái” của canh tác hữu cơ là một trong những ý tưởng được đưa ra bởi TP Organics và phòng thực phẩm hữu cơ và canh tác hữu cơ của EU. Mục đích là “sản xuất nhiều thực phẩm mà không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, chất lượng thực phẩm, chất lượng cuộc sống của nông dân và phúc lợi của động vật trang trại”.
Từ nền tảng đó, tổ chức này đang thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, cải thiện kỹ thuật tái chế chất dinh dưỡng và phát triển các phương pháp sinh thái nông nghiệp để tăng cường sự đa dạng và sức khỏe của đất, cây trồng và vật nuôi. Mục đích chính là để đảm bảo sự ổn định của năng suất – điểm yếu chính của nông nghiệp hữu cơ.
Chỉ khi khắc phục được vấn đề năng suất, canh tác hữu cơ sẽ phát triển và thể hiện nhiều hơn những tác động tích cực đến môi trường
- Biến đổi khí hậu: Tăng cường khả năng phục hồi của nông nghiệp
Khi điều kiện thời tiết trở nên khó lường hơn, gây ra nhiều thách thức cho phương thức sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu, TP Organics nhấn mạnh khả năng phục hồi là một nhân tố quan trọng trong hệ thống trang trại.
Biến đổi khí hậu gây nên nhiều thách thức lên các phương pháp sản xuất nông nghiệp
Các hệ thống sản xuất hữu cơ tăng cường sinh thái được kỳ vọng sẽ “linh hoạt hơn và có khả năng thích ứng cao với sự khó lường của biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, khả năng phục hồi chỉ có thể đạt được bằng cách tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về các hệ thống nông nghiệp chịu hạn, vừa tự cung cấp chất dinh dưỡng vừa chống chịu sâu bệnh và thay đổi môi trường.
TP Organics cho rằng sự đa dạng của cây trồng, các phương pháp luân canh, xen canh và một loạt các hoạt động trang trại là “chìa khóa để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu”. Còn các phương thức sản xuất nông nghiệp khác, như chăn nuôi hoặc tưới tiêu, được cho là “khá tốn thời gian hoặc phải dành các khoản đầu tư lớn”.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thể hiện tác động bảo vệ môi trường vượt trội hơn các phương thức sản xuất khác
Nền tảng này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đa dạng sinh học như là một “yếu tố thúc đẩy quan trọng cho sự ổn định của hệ thống sinh thái và là điều kiện tiên quyết để quản lý dịch bệnh”. Đa dạng sinh học và hệ sinh thái nông nghiệp có thể được ổn định bằng cách cải thiện độ phì nhiêu của đất, quản lý môi trường sống và đa dạng hóa sự phức tạp của cảnh quan và cấu trúc di truyền của cây trồng.
Bài viết tham khảo thông tin tại:
Tú Nhã